Bằng cách nào mà một tác phẩm nghệ thuật tôn giáo khiêm tốn nhất này lại có được một sức ảnh hưởng như thế? Bí mật phía sau sự cuốn hút của linh ảnh này là gì? Vì có những thông tin trái ngược nhau và phần nào cũng sơ sài trên internet cũng như trong các thư viện, nên ký giả Renzo Allegri đã tìm đến cha Antonio Marrazzo, Cáo Thỉnh Viên DCCT (người thực hiện các án phong chân phước và phong thánh của DCCT) và cũng là một chuyên gia về linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.
Cha Marrazzo đã xuất bản nhiều sách về các biểu tượng của các bức ảnh thánh cổ và đã cùng điều phối công việc phục chế tấm ảnh bằng gỗ lần gần đây nhất. Vị linh mục DCCT này rất hạnh phúc được giới thiệu và giải thích các mầu nhiệm của linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp…
* Ký giả Renzo Allegri: Thưa cha Marrazzo, cha giải thích thế nào về sự phổ biến rộng khắp của bức ảnh bằng gỗ khiêm tốn này?
+ Cha Marrazzo: Linh ảnh này đã trở nên phổ biến vì có một sứ điệp thiêng liêng mãnh liệt, và cùng với nội dung nhiệm mầu, linh ảnh này còn có thể nói với những con người đơn sơ nhất. Linh ảnh này là một khảo luận thần học cao cả và sâu sắc về Đức Trinh Nữ Maria, đã được làm ra để có thể vươn xa đến với mọi người.
* Ký giả: Chúng ta biết cách chắc chắn điều gì về lịch sử của linh ảnh đáng kính này?
+ Cha Marrazzo: Các tài liệu lịch sử đầu tiên liên quan đến linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp có từ năm 1499. Vào năm đó, linh ảnh này được trưng bày để cho dân chúng tôn kính tại nhà thờ thánh Mátthêu trên đường Via Merulana, Rôma. Đây là ngôi nhà thờ của Dòng thánh Augustinô xưa kia có niên đại lên đến thế kỷ 5 Công nguyên. Cùng với linh ảnh này còn có một tấm bảng lưu niệm được đặt trong phòng thánh của ngôi nhà thờ chứa đựng những thông tin nói về nguồn gốc của linh ảnh. Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được lưu giữ tại ngôi nhà thờ nhỏ bé kia trong suốt ba thế kỷ. Bởi vì đã có những quyền năng lạ lùng được gán cho linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, nên ngôi nhà thờ này đã nhanh chóng trở thành một trong những điểm thu hút nổi tiếng nhất tại Kinh Thành Muôn Thuở.
THÁNH MARIA TẠI POSTERULA
* Ký giả: Tại sao linh ảnh không còn ở tại nhà thờ đó nữa?
+ Cha Marrazzo: Vào năm 1798, quân đội của Napoleon xâm chiếm Rôma và đưa Đức Giáo Hoàng Piô VI đi lưu đày. Lấy cớ là để củng cố các pháo đài của thành phố, họ đã phá hủy 30 nhà thờ, trong đó có nhà thờ thánh Mátthêu. Các tu sĩ Dòng thánh Augustinô đã di chuyển đến một tu viện bên cạnh mang tên thánh Eusebius, và sau đó, vào năm 1819, họ đã chuyển hẳn đến nhà thờ Thánh Maria tại Postern Gate (Thánh Maria tại Posterula). Ngôi nhà thờ này nay không còn nữa nhưng đã từng tọa lạc tại Rione Ponte. Vì nhà thờ Thánh Maria tại Postern Gate đã có một bức ảnh Đức Trinh Nữ khác cũng đang được tôn kính đặc biệt, nên linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp được đặt trong một nhà nguyện nhỏ, và sau cùng linh ảnh này đã bị quên lãng hoàn toàn.
* Ký giả: Linh ảnh được trưng bày tại nhà thờ thánh Mátthêu hoàn toàn là do tình cờ hay là có một ý định khác đằng sau?
+ Cha Marrazzo: Tấm bảng lưu niệm đặt tại nhà thờ thánh Mátthêu đã truy lại nguồn gốc của linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tấm bảng đó kể lại rằng vào năm 1496 có một nhà buôn rời khỏi đảo Crete để trốn khỏi cuộc xâm chiếm cận kề của người Thổ Nhĩ Kỳ. Khi đã đến Rôma, nhà buôn này đến ở tại nhà của một người bạn. Nhà buôn này sau đó bị bệnh và trước khi chết ông đã bày tỏ cho người bạn biết rằng ông có một bức ảnh nhiệm lạ và xin người bạn trao bức ảnh đó cho nhà thờ. Người bạn hứa sẽ làm theo. Tuy nhiên, người vợ của ông này đã thuyết phục ông bán bức ảnh để kiếm lợi. Chẳng mấy chốc sau đó, người đàn ông này cũng bị bệnh và chết. Câu chuyện này còn kể rằng Đức Trinh Nữ đã hiện ra nhiều lần với cô con gái 6 tuổi của người đàn bà góa đó và hướng dẫn em thuyết phục người mẹ trao bức ảnh cho nhà thờ thánh Mátthêu tọa lạc giữa Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Cả và Vương Cung Thánh Đường thánh Gioan Lateran.
ĐỨC GIÁO HOÀNG PIÔ IX
* Ký giả: Điều gì đã dẫn đến việc tái khám phá linh ảnh tại nhà thờ Thánh Maria ở Postern Gate?
+ Cha Marrazzo: Năm 1862, các tu sĩ DCCT đã tìm thấy lại linh ảnh này. Năm 1732, Hội Dòng của chúng tôi được thánh Anphongsô thành lập tại Scala, gần Amalfi, và vào khoảng giữa thế kỷ 19, Hội Dòng đã phát triển mạnh và Đức Giáo Hoàng Piô IX quyết định chuyển các cơ quan trung ương của Dòng về Rôma. Năm 1855, Dòng chúng tôi mua Villa Caetani tại Esquilino và chuyển đổi tòa nhà đó thành một trường học. Nhà Dòng cũng xây một ngôi nhà thờ gần đó và thánh hiến cho Chúa Cứu Thế đồng thời dâng kính cho Đấng Sáng Lập. Một ngày năm 1862, một nhà viết sử DCCT tại Trung Ương Dòng, trong khi nói chuyện với anh em trong Dòng, nói ngài đã đọc được một câu chuyện kể rằng đã từng có một ngôi nhà thờ dâng kính thánh Mátthêu ở gần bên, và rằng trong ngôi nhà thờ đó có một bức ảnh truyền thống Byzantine nhiệm lạ và được tôn kính đặc biệt; bức ảnh này sau đó đã bị thất lạc. Trong số các anh em nghe được cuộc trao đổi hôm đó là một tập sinh tên là Michele Marchi. Tập sinh Michele Marchi cho biết bức ảnh này đã được giữ tại nhà thờ Thánh Maria ở Postern Gate và bản thân mình đã được nghe một thầy Dòng Augustinô nói bức ảnh nên được chuyển về chính chỗ nó đã từng được lưu giữ, và địa điểm ấy thì lại là chính nơi các tu sĩ DCCT đang ở bây giờ!
Năm sau, một linh mục Dòng Tên là cha Francesco Blosi đã phổ biến một loạt bài giảng, trong đó ngài có nhắc đến bức ảnh được gọi là Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã từng được tôn kính trong nhà thờ thánh Mátthêu. Khi các cha DCCT đọc các bài giảng này thì các ngài cảm thấy được thúc đẩy đi tìm kiếm bức ảnh cổ kia. Ngay cả Cha Bề Trên Tổng Quyền Nicola Mauron cũng cảm thấy được thúc đẩy như vậy. Cha Mauron là bạn của Đức Giáo Hoàng, nên trong một dịp tiếp kiến, ngài đã xin Đức Giáo Hoàng ngỏ lời với các tu sĩ Dòng thánh Augustinô trao lại linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp về nơi linh ảnh đã từng được lưu giữ trong 300 năm trước đây. ĐGH Piô IX đã đọc lời thỉnh cầu và viết lời phê sau đây vào trang giấy: “Ngày 11 tháng 12 năm 1865: Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Truyền Giáo hãy gọi Bề Trên của cộng đoàn Sancta Maria ở Posterula và nói với ngài rằng ước muốn của Chúng Tôi là bức ảnh Đức Maria Rất Thánh, như lời thỉnh cầu đây nhắc đến, được đặt lại vào giữa nhà thờ thánh Gioan và nhà thờ Đức Bà Cả; các cha DCCT sẽ sao một bức ảnh tương xứng khác cho các cha.”
LÒNG SÙNG KÍNH KHẮP THẾ GIỚI
* Ký giả: Các tu sĩ Dòng thánh Augustinô có hài lòng với sự sắp xếp đó không?
+ Cha Marrazzo: Các tu sĩ đã sẵn sàng vâng phục nghe theo. Cha Bề Trên của chúng tôi đã trao cho các ngài một bức ảnh giá trị và một tấm chi phiếu 50 scudi, đây là một số tiền đáng kể thời bấy giờ. Và linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được đưa đến nhà thờ của chúng tôi vào ngày 19 tháng giêng năm 1866. Ngày 5 tháng 5 năm 1866, ĐGH Piô IX đã đích thân đến bày tỏ lòng tôn kính linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, và trong dịp này, ngài đã mời gọi Hội Dòng chúng tôi hãy “làm cho thế giới biết Linh ảnh”. Chúng tôi đã đón nhận lời cổ vũ này một cách rất nghiêm túc, cũng bởi vì chúng tôi nhận thấy rằng có một mối liên hệ gần gũi giữa huy hiệu Hội Dòng với linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Thật vậy, linh ảnh cho thấy hai tổng lãnh thiên thần, Micae và Gabriel, đang mang theo những biểu tượng của cuộc Thương Khó: thánh giá, lưỡi đòng và bọt biển. Những biểu tượng này cũng có trong con dấu của Hội Dòng chúng tôi. Từ đó, linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã trở thành một biểu tượng của sứ vụ truyền giáo của DCCT chúng tôi.
* Ký giả: Như thế Hội Dòng của cha là tổ chức đã làm lan tỏa lòng sùng kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp ra khắp thế giới?
+ Cha Marrazzo: Hội Dòng chúng tôi đã phát triển và hiện nay có khoảng 6.000 thành viên có mặt tại 75 quốc gia khác nhau. Tại các nhà thờ của chúng tôi đều có linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Tại Philippines, Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một Đền thánh quốc gia, và tại Haiti, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là Đấng Bản Mệnh của đảo quốc này.
MỘT VẬT CÓ SỨC MẠNH
* Ký giả: Các biểu tượng trong linh ảnh có ý nghĩa gì? Chúng mang những sức mạnh thiêng liêng nào?
+ Cha Marrazzo: Các bức ảnh thánh thiêng không chỉ là những bức tranh tôn giáo nhưng còn là cái gì đó hơn thế nữa. Theo quan niệm nghệ thuật Đông phương, một bức ảnh thánh là nơi Thiên Chúa hiện diện: một sự hiện diện của Ân Sủng mà linh ảnh chuyên chở theo. Các nhân vật trong linh ảnh được vẽ không theo lối trình bày chính xác nhưng theo cách thức nhấn mạnh các chiều kích thiêng liêng của mầu nhiệm. Chiều kích nghệ thuật của bức tranh chỉ là ở tầm mức thứ yếu mà thôi. Điều quan trọng là Thiên Chúa, Đấng được diễn tả ngang qua nghệ thuật!
* Ký giả: Ai đã vẽ những linh ảnh này?
+ Cha Marrazzo: Các linh ảnh đã được các tu sĩ vẽ ra. Đây là những con người có đời sống thần bí và thiêng liêng cao đồng thời cũng có một kiến thức thấu đáo về thần học. Họ luôn chuẩn bị bản thân cách thiêng liêng trước khi vẽ một linh ảnh bằng cách ăn chay, cầu nguyện và sám hối. Họ sẽ suy gẫm về chủ đề linh ảnh lâu dài trước khi bắt tay vào việc, trong khi suy gẫm như thế, họ tìm kiếm ơn linh hứng từ Trên Cao, và họ thường quỳ để vẽ linh ảnh.
Linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp đã được vẽ ở Crete là nơi trước đây đã từng có một trường phái vẽ ảnh nổi tiếng. Phương pháp xác định niên đại bằng carbon đặt linh ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp vào giai đoạn khoảng nửa sau thế kỷ 14.
Theo một truyền thống cổ xưa, kiểu mẫu linh ảnh này đã được gợi hứng bởi một linh ảnh, nay không còn nữa, do thánh Luca tác giả Tin Mừng vẽ ra, và được gọi là “Hodegetria”, tiếng Hylạp có nghĩa là “Bà chỉ Đường”.
CHIẾC DÉP RƠI
* Ký giả: Sứ điệp thiêng liêng linh ảnh mang theo là gì?
+ Cha Marrazzo: Đức Trinh Nữ hơi nghiêng đầu sang bên phải; Mẹ đang nhìn người xem và đang ẵm Hài Nhi bằng tay trái, còn Hài Nhi thì đang nắm tay phải của Mẹ bằng cả hai tay của mình. Hài Nhi đang nhìn hướng lên và chân phải của Người bắt chéo cách không tự nhiên khiến cho lòng bàn chân lộ ra có thể nhìn thấy được. Chiếc dép bên bàn chân này lỏng ra và sắp rớt xuống. Hài Nhi có dáng dấp của một trẻ 12 tuổi; nói cách khác, đó là dáng dấp của Chúa Giêsu, Đấng giờ đây ý thức bản tính thần linh của Người là Con Thiên Chúa. Người đang hướng nhìn lên, không phải hướng đến tổng lãnh thiên thần Gabriel đang cầm thánh giá, nhưng vượt quá thọ tạo thiêng liêng này để hướng nhìn đến Thiên Chúa, Cha của Người, Đấng ngự trên trời. Vì vậy, Đức Trinh Nữ Maria đang giới thiệu Con Thiên Chúa cho chúng ta, còn Con Thiên Chúa thì đang hướng về Cha trên trời.
* Ký giả: Sứ điệp của chiếc dép rơi là gì?
+ Cha Marrazzo: Theo sách Rút, trao dép cho ai là một nghi thức quan trọng của một khế ước. Hài Nhi đang để cho chiếc dép rơi xuống hướng về phía chúng ta thì điều đó mang ý nghĩa rằng Người đang thiết lập một khế ước với chúng ta: khế ước này chính là Giao Ước Mới.
Cùng lúc đó, Người đang cho ta thấy lòng bàn chân phải của Người. Trong biểu tượng ảnh Đông phương, phơi bày lòng bàn chân của ai là cho thấy bản chất người đó, trong trường hợp này đó là bản tính nhân loại của Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, cử chỉ này cũng còn có một ý nghĩa khác. Đụng vào mảnh đất có ý định muốn mua bằng lòng bàn chân của mình là dấu hiệu cho thấy rằng người đó đã trở thành chủ nhân của mảnh đất đó. Chúa Giêsu, khi trở thành con người và chạm chân vào cõi đất, Người đã tái tuyên bố chủ quyền của Người trên trái đất, trên tạo thành, và bằng cách phục hồi trở lại phẩm giá là con Thiên Chúa cho loài người, Người đã phục hồi quyền làm chủ của loài người trên tất cả tạo thành.
CÁC MÀU HOÀNG GIA
* Ký giả: Các màu sắc trong linh ảnh có ý nghĩa thiêng liêng nào không?
+ Cha Marrazzo: Nhìn chung, trong các ảnh Đông phương, màu đỏ chỉ thần linh, trong khi đó màu xanh đại diện cho loài người. Đức Trinh Nữ đang mặc áo dài màu đỏ tượng trưng cho thần linh và áo choàng màu xanh tượng trưng cho loài người. Họa sĩ đã nêu rõ vai trò thần linh của Đức Trinh Nữ bằng cách viết ở phần trên của linh ảnh chữ “Theotokos” (Mẹ Thiên Chúa). Đức Maria không chỉ là mẹ của Đức Giêsu lịch sử mà còn là Mẹ của Con Thiên Chúa: nhờ việc trao ban Đức Giêsu thể lý, Đấng vừa là Chúa vừa là người, Mẹ đã trở nên “giống-như-Chúa”. Tuy nhiên, có một chi tiết trong linh ảnh này mà người ta không tìm thấy ở nơi bức một bức “Hodegetria” nào khác, và đây là điều mà họa sĩ muốn nhấn mạnh, đó là màu xanh lá cây ở lớp lót của chiếc áo choàng. Việc phối hợp các màu đỏ và xanh lá cây này đã được dành riêng cho giới quý tộc mà thôi. Đức Maria thật sự là Nữ Hoàng các thiên thần và các thánh.
Hài Nhi Giêsu mặc áo màu xanh lá cây và thắt đai lưng màu đỏ. Áo màu xanh lá cây với đai lưng đỏ, theo một số học giả, là màu tiêu biểu của các hoàng đế Đông phương; bằng cách này, họa sĩ đã nêu rõ tính cao trọng của Chúa Giêsu, Đấng là Chủ Tể của tạo thành.
Phận vụ của hai tổng lãnh thiên thần, đang cầm những biểu tượng của cuộc Thương Khó, thì không chỉ là trình bày những biểu tượng này cho Hài Nhi Giêsu Kitô, mà còn là để cho chúng ta thấy các phương tiện mà nhờ đó Chúa Kitô đã cứu chuộc loài người, và rằng đó là khi “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên thập tự” (Pl 2,8).
Đức Maria luôn dẫn đưa con người đến với Chúa Giêsu; Mẹ không thể bị tách rời khỏi Chúa Giêsu. Điều này rõ ràng, thật sự rõ ràng, trong cách thiết kế của bức ảnh thánh này. Vì vậy, chúng ta hãy đến với Chúa Giêsu và Mẹ Người với tất cả sự tự tin của một trẻ nhỏ cũng như với tất cả ý thức thực tại của một người trưởng thành, đừng bao giờ quên điều mà Sứ thần Truyền Tin loan báo cho Đức Maria và chúng ta: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1,37).
Bài phỏng vấn này của ký giả Renzo Allegri đã được đăng trên “Messenger of Saint Anthony”, tháng 12 năm 2012.
Chuyển ngữ: Lm. Gioakim M. Hà Ngọc Phú, C.Ss.R.