I. Chuột Hamster là gì?
1. Nguồn gốc
Chuột Hamster không thuộc phân họ Arvicolinae như chuột cống, chuột nhắt, chuột đồng… mang nhiều mầm bệnh, phá hoại mùa màng mà thuộc phân họ Cricetidae hay còn hiểu đó là loài chuột cụt đuôi thuộc dòng động vật gặm nhấm. Chúng sinh sống ngoài tự nhiên, ở hoang mạc, bán hoang mạc, hoặc nơi có khí hậu ôn đới; thường đào hang để bắt côn trùng và có hai túi má để dự trữ thức ăn.
Hình ảnh chuột Hamster
Loài chuột này được tìm thấy vào năm 1829 và được các nhà thí nghiệm sử dụng để nghiên cứu các thí nghiệm khoa học. Sau nhiều năm do tác động của môi trường và sự lai tạo di truyền, chuột Hamster dần dần tương tác gần gũi với con người. Với sự thông minh và lối sống gọn gàng, Hamster dần trở thành một loại thú cưng dễ thương được nhiều người mến mộ.
2. Ngoại hình
Loài chuột này có kích thước rất nhỏ bé, chỉ cao từ 5-15cm, nặng từ 25-200g tùy loài, có thể nằm gọn trong lòng bàn tay. Chúng có bộ lông mềm mại, bóng mượt bao phủ khắp cơ thể với nhiều màu sắc khác nhau cùng dáng vẻ tròn xoe giống như một cục bông di động. Hàm răng dài, răng cửa to lớn chuyên để gặm nhấm, má lúc nào cũng phình lên để dự trữ thức ăn. Hamster khác hẳn với những giống chuột gặm nhấm khác ở điểm đuôi rất ngắn, thậm chí nhiều loài bị cụt đuôi, phần tai và chân cũng có kích thước nhỏ hơn chuột đồng, chuột nhắt rất nhiều.
3. Hành vi
Chuột Hamster là loài sống về đêm, tức là chúng rất thích ngủ vào ban ngày và rất ghét bị đánh thức. Trong tự nhiên, chúng đào hang để ẩn náu và sinh sống, đồng thời cũng để tích trữ lương thực dự trữ. Việc sống dưới hang giúp chúng luôn mát mẻ mặc kệ môi trường bên ngoài có khắc nghiệt như thế nào. Hamster hoang dã thường sẽ tích trữ đồ ăn và ngủ đông.
4. Môi trường sống
Đây là loài rất thích sống trong khu vực khô, ấm như thảo nguyên, cồn cát hoặc rìa sa mạc. Nếu như bạn nuôi một chú chuột trong nhà thì rất cần để ý đến vấn đề nhiệt độ.
5. Thói quen
Đa phần, chuột Hamster sống hòa đồng và theo bầy, nhưng một số ít lại lựa chọn lối sống cô độc, có tính lãnh thổ cao và ghét bị kẻ khác xâm phạm. Những con Hamster đực thường hay cắn lẫn nhau đến chết nên người ta thường không nuôi chung các con đực với nhau.
II. Phân loại các loài chuột Hamster
Mặc dù trên thế giới có khoảng 26 loài chuột Hamster khác nhau, tuy nhiên ở Việt Nam chỉ phổ biến có 4 loài sau đây:
1. Chuột Hamster Roborovski
Hay còn được gọi ngắn gọn là chuột Robo. Đây là dòng chuột Hamster có kích thước vô cùng nhỏ bé, chỉ khoảng 4-5cm và nặng khoảng 45-50g ở con trưởng thành. Mặc dù vậy, giống chuột này vô cùng đáng yêu và cực kỳ hiếu động, thích được đùa nghịch. Đôi khi chúng vô cùng nhút nhát khi có bạn cùng chuồng, thậm chí có thể giả chết khi bị đe dọa.
2. Chuột Hamster Bear
Đây là giống chuột Hamster gấu có kích thước khá lớn, con trưởng thành thường nặng khoảng 150-200g và dài khoảng 15cm. Với vẻ ngoài bụ bẫm, đáng yêu, thân thiện, chúng rất được mọi người ưa thích và tìm nuôi. Tuy nhiên, giống chuột này khá hiếu chiến và hung hăng, do đó bạn chỉ nên nuôi một con duy nhất mà thôi.
3. Chuột Hamster Winter White
Chuột Winter White hay còn gọi là chuột Hamster Sóc có ngoại hình không khác mấy so với những con chuột thông thường. Tuy nhiên, chúng có cái đuôi ngắn cũn cùng với bộ lông dày, bông xù đặc trưng của dòng Hamster. Với kích thước khoảng 10cm, trọng lượng từ 80-120g, cùng với đó là bộ lông màu trắng thay đổi theo mùa sẽ khiến cho bất cứ ai nuôi chúng cũng sẽ cảm thấy thích thú.
4. Chuột Hamster Campell
Dòng chuột Cambell hay Campbell có ngoại hình gần giống với Winter White. Tuy nhiên, bạn có thể phân biệt dễ dàng hai loài này với nhau do chuột Campbell có cái mũi nhọn hơn, đôi tai to và ít lông hơn. Các con đực khá là hiếu chiến khi được nuôi ở chung một chuồng, do đó bạn không nên nuôi nhiều con đực cùng với nhau.
III. Chuột Hamster giá bao nhiêu? Mua ở đâu?
1. Bảng giá chuột Hamster
Giá cả phụ thuộc nhiều vào chủng loại, kích thước, thường sẽ dao động trong khoảng từ 80-200 nghìn đồng. Bạn có thể tham khảo giá cụ thể của một số loài Hamster phổ biến tại Việt Nam như sau:
– Giá chuột Hamster Robo: Giá từ 150-200 nghìn đồng/con.
– Giá chuột Hamster Bear: Giá từ 80-200 nghìn đồng/con tùy màu sắc.
– Giá chuột Hamster Campbell và chuột Winter White: Giá từ 100-150 nghìn đồng/con.
Bạn có thể tìm mua các dòng chuột Hamster dễ dàng tại các siêu thị, cửa hàng chuyên bán thú cảnh trên khắp cả nước.
2. Có nên mua chuột Hamster 10k?
Chuột Hamster đã trở nên cực kỳ nổi tiếng nên chúng đang được bày bán rất nhiều trên thị trường với đủ chủng loại và giá cả. Bạn thậm chí có thể mua được những chú chuột Hamster với giá cực rẻ chỉ với 10.000 đồng. Tuy nhiên, chuột được bán với giá quá rẻ có thể có sức khỏe kém, ít phẩm chất tốt và nhiều nguy cơ mang mầm bệnh.
IV. Nuôi chuột Hamster cần những gì?
1. Nơi ở
Bạn không nên nuôi chuột Hamster trong lồng có khung bằng gỗ vì rất dễ bị chúng gặm mất. Một số loại lồng nuôi trên thị trường hiện nay đang bày bán như sau:
– Lồng sắt: Là loại phổ biến nhất hiện nay, có ưu điểm là gọn nhẹ, bền đẹp, thoáng mát. Nhược điểm của chiếc lồng dạng này là khó vệ sinh và khi Hamster của bạn gặm những thanh sắt sẽ gây trầy xước và tróc sơn.
– Lồng kính/mica: Toàn bộ lồng đều làm bằng kính/mica trong suốt, dễ vệ sinh lại giúp bạn có thể quan sát dễ dàng hơn chú chuột của mình. Tuy nhiên, với lồng có thành thấp cần phải dùng nắp đậy để Hamster không leo ra ngoài, nhưng không được đậy quá kín vì sẽ khiến chúng cảm thấy ngột ngạt và stress.
– Lồng nhựa: Là loại lồng chuyên dụng để phục vụ mục đích đi du lịch hoặc đi dạo chơi khi bạn muốn đem theo thú nuôi của mình.
Chiếc lồng dạng này có nhược điểm là hơi bí, do đó, không nên để Hamster của bạn ở trong quá lâu. Chúng cũng có thể gặm nát miếng nhựa nên loại lồng này không thích hợp để sử dụng hàng ngày.
2. Lót chuồng
Bên cạnh việc chọn lồng, bạn cũng nên lót ổ cho chuột Hamster. Có thể sử dụng những chất liệu phổ biến như sau:
– Mùn cưa: thấm hút rất tốt, dễ thu dọn, có thể giữ ấm nhưng phải thay thường xuyên để tránh gây vàng lông, nấm mốc. Đây là loại lót chuồng kinh tế và dễ sử dụng nhất.
– Cát Sand: có tác dụng thấm hút, làm mát và đặc biệt khử mùi tốt. Tuy nhiên, chúng có thể bị thấm nước và nhiễm khuẩn, gây bệnh cho các bé Hamster. Khi bị ướt, cát sẽ bết ra chuồng hoặc dính vào lông những chú chuột.
– Cát Buddy: có mùi thơm dễ chịu, làm mát, làm sạch lông, có thể tái sử dụng. Nhược điểm là giá thành cao và rất khó kiếm.
– Gỗ nén: có mùi gỗ thơm, thấm hút tốt nhưng kích thước khá lớn, gây ồn ào khi chuột di chuyển và nhìn không thẩm mỹ như các loại lót chuồng khác.
Chú ý: Thay thế lớp lót thường xuyên, khoảng 1-2 lần/tuần để tránh gây ẩm mốc và ô nhiễm nơi sinh sống của thú cưng nhà bạn.
3. Chuột Hamster tắm bằng gì?
Cát tắm là một trong những sự lựa chọn phổ biến nhất thường được mọi người lựa chọn không chỉ bởi sự tiện dụng mà còn bởi hiệu quả tuyệt vời. Chỉ cần đổ cát tắm vào hộp, những chú Hamster sẽ tự động lăn lộn và làm sạch cơ thể của mình, giúp lông mượt và mềm hơn. Khi cát bị vón cục hoặc ngả màu thì chúng ta chỉ cần xúc đổ và thay cát mới.
4. Bát ăn
Chuột Hamster rất hiếu động, thường trèo vào bát ăn nên cần chọn bát có kích thước vừa phải nhưng phải đủ nặng hoặc có đáy rộng tránh lật đổ. Chúng cũng hay gặm nhấm tốt nhất là dùng bát sứ có tráng men để dễ vệ sinh và không thể gặm được.
5. Bình nước
Một chiếc bình nước chuyên dụng có vòi bằng inox , đầu vòi có bi để ngăn chảy nước là lựa chọn thích hợp nhất. Không sử dụng bát đựng nước vì rất dễ tràn, ướt lót chuồng cũng như làm Hamster ướt nhẹp, dễ gây viêm phổi vì lạnh.
6. Đá mài răng
Chuột Hamster cũng như các loài gặm nhấm khác, răng của chúng dài ra rất nhanh, đôi răng cửa ở hàm trên và hàm dưới của nó liên tục mọc ra, mỗi tuần có thể vài milimet. Chúng cần gặm nhấm vật cứng để mài bớt độ dài của răng.
Đá mài răng với nhiều mùi hương hấp dẫn, sạch sẽ, tiện lợi, thường được treo ở cạnh lồng cho chuột gặm nhấm.
7. Nhà ngủ
Loại thú cưng bé nhỏ này cảm thấy an toàn khi ở nơi có bóng tối nên cần thiết phải có cho bé 1 nhà ngủ hoặc những nơi ẩn nấp trong lồng.
8. Wheel chạy
Cần phải có 1 cái wheel đủ lớn để khi bé chạy không bị cong lưng. Cần chú ý đến tiếng ồn vì chuột Hamster chủ yếu chạy wheel về ban đêm nên tiếng động phát ra có thể làm bạn khó chịu. Giải pháp là chọn loại wheel có vòng bi, kết cấu vững chắc sẽ giảm thiểu được điều này.
9. Đồ chơi khác
Ngoài wheel chạy ra thì Hamster cần nhiều vận động hơn thế, chúng yêu thích leo trèo, khám phá. Bạn cần bổ sung đường hầm, mê cung, khu vực leo trèo… hay đơn giản hơn là chiếc lõi giấy vệ sinh, 1 khúc gỗ. Đặc biệt, thú cưng của bạn sẽ cực kỳ hạnh phúc nếu được chơi với 1 quả bóng chạy để khám phá thế giới bên ngoài.
V. Thức ăn cho chuột Hamster
1. Chuột Hamster ăn gì?
– Các loại trái cây: Táo (bỏ vỏ và hạt), nho, chuối, xoài, dâu tây, dưa,…
– Một số loại rau củ: Bông cải xanh, cà rốt, giá đỗ, súp lơ, dưa leo (dưa chuột), đậu hà lan, cần tây, bí đao, bí ngô, khoai lang,…
– Các loại hạt: Hạt dẻ, hạt hướng dương, hạt bí ngô,… các loại hạt này không được tẩm nhiều gia vị và chất bảo quản.
– Thực phẩm đã qua chế biến: Thịt gà, thịt bò nấu chín, phô mai ít chất béo, trứng luộc,..
– Côn trùng: Châu chấu, dế,..
– Những thức ăn khác: Đồ ăn dành cho trẻ em ít hành tỏi và đường, các loại ngũ cốc không đường và không muối,…
Trong các loại thực phẩm trên, hoa quả và rau tươi củ tươi là thức ăn chuột Hamster ưa thích nhất. Tuy nhiên, người nuôi cần phải chú ý không cho ăn quá nhiều sẽ vì sẽ dẫn đến tiêu chảy. Mỗi lần, chỉ cho Hamster ăn một miếng táo hoặc cà rốt nhỏ là đủ. Ngoài ra, bạn có thể bổ sung cho chúng một số loại thức ăn tổng hợp để đảm bảo chất dinh dưỡng cho thú cưng của mình.
2. Chuột Hamster không ăn gì?
– Các loại hạt của trái cây: Những loại hạt có vỏ cứng khiến cho răng của Hamster không nhai được dẫn đến chúng có thể nuốt vào dạ dày và không tiêu hóa được. VÌ vậy, bạn không nên cho những loại hạt táo, hạt nho, hạnh nhân vào trong chuồng nuôi của Hamster.
– Một số loại hoa quả và vỏ trái cây: Không nên cho chuột Hamster vỏ trái cây và các hoa quả họ cam, quýt, bơ.
– Đồ ăn đóng hộp dành cho con người: Kẹo, Socola, mứt, thạch, sản phẩm từ thịt lợn, những loại gia vị như hành, tỏi,…
– Không cho chuột Hamster uống nước ngọt: Cơ thể của Hamster rất nhạy cảm với chất bảo quản nên người nuôi không cho chúng uống các loại nước ngọt.
– Thận trọng khi cho Hamster uống sữa: Có thể cho chuột uống sữa tươi nhưng trước khi cho uống thì bạn cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ thú y để hạn chế tình trạng đau bụng, tiêu chảy. Các loại sữa không dùng chất bảo quản thì dễ bị nhiễm khuẩn nhanh nên cũng không tốt cho chuột Hamster. Hơn nữa, nếu để sữa đổ ra lồng thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công loài vật này.
3. Bổ sung Vitamin và khoáng chất cho chuột Hamster
Bạn có thể bổ sung Vitamin cho Hamster bằng cách nhỏ chúng vào cùng với nước uống, bổ sung khoáng chất bằng cách cho chúng liếm đá mài răng. Hamster không cần bất kỳ loại thực phẩm có chứa Vitamin C vì chúng có thể tự sản xuất vitamin C.
4. Một số lưu ý khi cho chuột Hamster ăn
– Mặc dù là loài hoạt động mạnh về đêm những bạn vẫn phải cung cấp đủ thức ăn cho chuột Hamster nhấm nháp cả ngày.
– Cung cấp thức ăn vừa đủ, không dư thừa vì loài động vật gặm nhấm này có tập tính tích trữ thức ăn ở hai túi má hai bên để ăn dần. Nếu trong miệng trữ quá nhiều đồ ăn có thể bị hỏng, ôi thiu, gây hại cho hệ tiêu quá của Hamster. Chúng cũng có thể sinh ra khối u ở má vì tích tụ nhiều vi khuẩn có hại.
– Các loại thực phẩm phải sạch, không có thuốc trừ sâu hoặc chất bảo quản. Đồng thời, thức ăn phải không có góc cạnh sắc để tránh làm tổn thương miệng hoặc vùng má khi chuột Hamster giữ thức ăn trong miệng hoặc túi má.
– Nên cho Hamster ăn một lượng nhỏ thực phẩm tươi và không thường xuyên. Tốt nhất là khoảng 2 ngày thì cho ăn thực phẩm tươi 1 lần.
– Chuột Hamster thích ăn cà rốt nhưng đây là một loại củ chứa nhiều đường nên dễ gây béo phì và tiểu đường. Do đó, bạn cũng chỉ nên chú ý khi cho chúng ăn, đặc biệt là đối với các loại Hamster nhỏ như Campbell.
– Lượng thức ăn hàng ngày nên cho chuột ăn là bằng khoảng 10% trọng lượng cơ thể chúng.
– Người người nuôi cũng cần chú ý đến nguồn nước cho Hamster uống là phải sạch, không được dùng nước máy chứa Clo.
VI. Các bệnh thường gặp và cách điều trị
1. Tiêu chảy
Nguyên nhân có thể do chỗ ở, thức ăn không hợp vệ sinh hay ăn quá nhiều rau xanh, trái cây hoặc do stress lâu ngày. Khi Hamster nhiễm bệnh, bạn nên tách bé ra khỏi đàn, mua thuốc trị tiêu chảy tại các shop thú cưng, hoặc có thể dùng thuốc tiêu chảy cho trẻ sơ sinh.
2. Táo bón
Nguyên nhân do ăn quá nhiều thức ăn có tính nóng, hạt hướng dương, cốm gạo, thức ăn khô hoặc quá ngọt. Chỉ cần bổ sung thêm các loại thức ăn có tính mát chẳng hạn như rau xanh, trái cây là được.
3. Cảm lạnh
Nguyên nhân do thời tiết thất thường, môi trường sống quá lạnh, tiếp xúc với người đang bị cảm lạnh hay do bị ướt. Chú ý giữ ấm cho Hamster vào mùa lạnh, có thể mua thuốc kháng sinh cho uống hoặc uống sữa ấm kết hợp với các loại thức ăn mềm như phô mai, bánh mềm,… Lót chuồng bằng mùn cưa một lớp dày kết hợp với giữ ấm nhà ngủ cho chúng.
4. Đuôi ướt
Nguyên nhân chính là do stress, rất dễ truyền nhiễm và khiến Hamster bị tiêu chảy thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Loại bệnh này thường gặp ở những chú Hamster nhỏ vừa qua nhà mới, vì vậy người nuôi cần nắm được cách nuôi Hamster con, giúp chúng làm quen với môi trường mới. Nếu phát hiện đuôi bé Hamster của bạn bị ướt cần đưa bé tới bác sĩ thú y càng sớm càng tốt.
5. Sốc nhiệt
Hamster sống ở nơi quá nóng và bí, thời tiết thay đổi đột ngột hoặc di chuyển quãng đường xa mà không được che chắn, đóng gói cẩn thận. Hamster bị sốc nhiệt hết sức nguy hiểm vì rất dễ dẫn tới tử vong. Cần đưa bé ra chỗ mát, cho ăn phô mai, ruột bánh mì, bột yến mạch,… Sau đó cho uống nước từ từ bằng cách đổ nước vào lọ thuốc nhỏ mắt (hoặc các loại lọ tương tự) và bơm vào miệng.
VII. Một số sự thật thú vị về chuột Hamster
1. “Hamster” vốn được bắt nguồn từ tiếng Đức: “Hamstern,” có nghĩa là “tích trữ”, đây chính là thói quen khó bỏ đã ăn vào máu của loài động vật này.
2. Chuột Hamster là loài sống về đêm, do đó chúng rất ghét bị làm phiền vào ban ngày khi đang ngủ say.
3. Chuột Hamster khá là thông minh, chúng thậm chí có thể học cách để nhớ được tên của chúng. Nếu bạn nói chuyện với chú chuột của mình và sử dụng tên của chúng thường xuyên để chúng quen với việc nghe tên, chúng sẽ phản ứng lại mỗi khi được gọi.
4. Răng của chuột Hamster phát triển không ngừng trong suốt cuộc đời, đó là lý do chúng cần phải được mài răng để tránh răng mọc dài quá mức gây tổn hại cho cơ thể.
5. Chuột Hamster là loài sống rất gọn gàng, chúng thường xuyên tự mình dọn dẹp chuồng để giúp không gian sống quang đãng hơn.
6. Hầu hết các chú chuột Hamster đều chạy rất nhanh, đó là bởi hình dạng và kích thước của bàn chân sau cho phép chúng bứt tốc hiệu quả.
7. Loài Hamster trong tự nhiên rất thích ẩn náu. Chúng có thể tự đào hang dưới lòng đất để tránh nóng và tránh sự truy sát của kẻ thù, đồng thời cũng là cách để chúng tích trữ đồ ăn.
8. Loài chuột Hamster rất dễ bị giật mình. Do đó bạn cần nói giọng nhẹ nhàng với chúng để tránh gây ra stress hoặc các vấn đề về thần kinh.
9. Socola chứa một chất hóa học gọi là Theobromine có thể gây độc cho chuột Hamster. Do đó cần tránh cho chúng ăn socola, đồ uống có cồn và cafein.
10. Loài chuột Hamster vốn bị mù bẩm sinh, và ngay cả khi trưởng thành thì chúng chỉ có thể cảm nhận thấy vài centimet phía trước mũi của chúng. Do đó, khứu giác đã trở thành một trong những giác quan quan trọng nhất.
11. Hamster có cái túi má, được gọi là Displostomes, là nơi dùng để chứa thức ăn. Vì vậy, mặc dù có vẻ như chú chuột của bạn đang ăn rất nhiều đến nỗi phình má, nhưng thực tế là chúng đang cố tích trữ đồ ăn.
12. Chuột Hamster là loài có tâm trạng. Theo như một nghiên cứu, những chú chuột mà có nhiều đồ chơi và giường ngủ ấm cúng sẽ cảm thấy hạnh phúc và thoải mái hơn so với những con chuột thiếu thốn.
VIII. Một số câu hỏi thường gặp
1. Chuột Hamster có cắn không?
Thực tế, việc Hamster cắn người không phải là chuyện hiếm gặp. Nguyên nhân thường do chúng bị giật mình, hoảng sợ. Bạn cần làm quen trước và nhẹ nhàng tiếp cận để những chú chuột cảm thấy an toàn.
Đôi khi, chúng cắn người do nhầm lẫn với đồ ăn. Điểm yếu của Hamster chính là thị lực kém, thường phải dò đường dựa vào mùi hương. Nếu tay bạn có mùi thức ăn dễ khiến chúng bị nhầm lẫn.
2. Bị chuột Hamster cắn có sao không?
Đầu tiên, bạn phải tiến hành xử lý vết thương. Nếu vết thương không chảy máu, không có vết rách thì không cần quá lo. Nếu bị thương nặng hơn, bạn phải lập tức rửa tay bằng xà phòng, nặn hết máu độc và sát trùng bằng cồn. Thường thì vết thương sẽ lành lại sau vài ngày nhưng bạn cần phải theo dõi thường xuyên để đảm bảo sức khỏe tốt nhất.
3. Tuổi thọ của chuột Hamster?
Vòng đời của chuột Hamster là khoảng 2-3 năm. Đến tầm 1 năm tuổi, chúng đã được xem là Hamster già. Điều này thể hiện qua tính cách và năng lượng hàng ngày của chúng. Tuy nhiên, có những chuột Hamster sống ngoài tự nhiên sẽ sống lâu hơn so với chuột đã được thuần hóa. Tuổi thọ của chúng có thể kéo dài chừng hơn 3 năm.
4. Chuột Hamster ăn cơm được không?
Cho chuột ăn cơm có thể khiến chúng bị các bệnh liên quan tới tiêu hóa.
5. Chuột Hamster có ăn được xúc xích không?
Xúc xích là thức ăn của người, có thịt và các chất phụ gia nên tuyệt đối không được cho Hamster ăn. Kể cả là dăm bông hay thịt xông khói cũng vậy.
6. Dấu hiệu chuột Hamster mang thai?
– Tâm trạng lo lắng, chạy xung quanh nhiều.
– Tính tình thay đổi, khó gần, dữ hơn bình thường (nhất là đối với Campell).
– Tích cực xây tổ, gom mùn lót về một góc.
– Ăn nhiều hơn bình thường.
– Không thích con đực lại gần.
– Bụng bắt đầu phình to và có ngấn.
– Bụng dưới, 2 bên bắt đầu lộ ti ra dần.
7. Chuột Hamster mang thai bao lâu?
Khi chuột Hamster đạt 2 tháng tuổi, chúng đã có thể sinh sản được rồi. Thời gian thai kỳ sẽ kéo dài từ 15-30 ngày, mỗi lứa chuột sẽ đẻ khoảng 3-8 con non. Khoảng cách đẻ mỗi đứa con sẽ vào khoảng 30 phút, con non khi mới sinh ra rất yếu và cần được giữ ấm, bú mẹ đầy đủ. Trong một vòng đời của mình, chuột Hamster có thể sinh đẻ khoảng 8 đợt.
Hình chuột Hamster dễ thương, ngộ nghĩnh
Chuột Hamster mắt đỏ