Cơm có thể bỏ nhưng trà sữa thì không
Nhẩm tính lượng trà sữa mà mình đã uống trong một tuần nay, Ngọc Châu (25 tuổi, nhân viên văn phòng tại Hà Nội) không nhớ được chính xác là 5 hay 6 cốc.
“Ngày cuối tuần được nghỉ làm nên lười đặt, chứ đi làm hầu như ngày nào tôi và các chị em cũng uống”, Châu cho biết.
Ngọc Châu cũng trở thành người chuyên đặt trà sữa cho phòng mình mỗi chiều. Đồng nghiệp rất tin tưởng cô, vì là khách quen của nhiều thương hiệu trà sữa. Do đó, Châu là “quân sư” đáng tin cậy khi chọn món.
“Cứ đến chiều là cả phòng tôi lại rủ nhau đặt trà sữa về cho chị em ‘tăng máu làm việc’. Nhiều lúc tôi đang buồn ngủ mà uống đồ ngọt vào lại cảm thấy tỉnh táo ngay. Bữa chiều nào không có trà sữa là lại thấy thiếu thiếu”, Ngọc Châu kể về thói quen của mình và các đồng nghiệp.
Du nhập vào Việt Nam đã lâu và từng làm mưa làm gió vào thời điểm những năm 2014-2015 khi các cửa hàng, thương hiệu trà sữa mọc lên như nấm, hiện trà sữa không còn ở vị trí “độc tôn” như trước, nhưng không thể phủ nhận đây vẫn là món đồ uống ưa thích của nhiều người trẻ.
Với Minh Thủy, một sinh viên năm 3, uống trà sữa không phải để tỉnh táo, mà chỉ đơn giản đây là lựa chọn phù hợp nhất khi cần một loại thức uống giải khát.
“Người trẻ như chúng tôi “sống vội” nên cần một loại thức uống dễ mua, dễ mang đi. Trong khi đó, cửa hàng trà sữa lại ở khắp mọi nơi, chỉ cần chờ 5-10 phút là đã có một cốc trà sữa sẵn sàng mang theo đến mọi nơi.
Thêm vào đó, khác với các loại thức uống truyền thống khác, trà sữa là một thế giới rất đa dạng các loại hương vị giúp tránh gây nhàm chán”, Thủy giải thích về lý do uống trà sữa gần như mỗi ngày của mình.
Cô cũng chia sẻ thêm rằng, vì có thói quen uống trà sữa từ thời học sinh, quen vị, nên mỗi khi khát thì sẽ mặc định nghĩ ngay đến trà sữa.
Nữ sinh cho biết thêm, đây cũng là thói quen của nhiều bạn học cùng lớp, vô tình tạo nên hiệu ứng domino.
“Trong các cuộc hội họp, đi chơi, ngay cả khi đang muốn thử một loại thức uống khác nhưng cả nhóm có nhiều người chọn trà sữa, thì “số ít” còn lại cũng theo cùng để đỡ khoản tiền giao hàng hay đơn giản là không bị lạc quẻ”, Thủy nói.
Cô tiết lộ thêm rằng, nhiều ngày bận rộn có thể bỏ bữa cơm, nhưng trà sữa thì không thể thiếu.
Đưa 20 thìa đường vào người với thức uống “quốc dân”
Một thí nghiệm tại Phòng thí nghiệm Temasek Polytechnic chỉ ra trong một cốc trà sữa 500ml có thể chứa tới 102,5g đường, khoảng 20,5 thìa đường và tương đương 395,65kcal. Lượng calo này thậm chí còn nhỉnh hơn một chút so với ba bát cơm đầy (vốn có thể cung cấp khoảng 390kcal).
Một ly trà sữa trân châu có từ 300kcal-500kcal tùy vào lượng đường và topping (món phụ ăn kèm) người uống lựa chọn. Uống trà sữa làm cơ thể hấp thụ lượng calo lớn, đồng thời việc chuyển hóa và tiêu thụ nguồn năng lượng này lại rất khó.
Một ly trà sữa có thể tương đương 30 phút chạy bộ, 1 tiếng 30 phút đi bộ hoặc 2 tiếng gập bụng.
Đường có trong trà sữa là sucrose hoặc fructose – các chất hữu cơ giúp cơ thể có năng lượng nhanh chóng nhưng không kéo dài.
Việc hấp thu và chuyển hóa lượng đường lớn như vậy gây ra thách thức lớn với cơ thể. Lâu dần khi uống quá nhiều trà sữa, cơ thể sẽ trở nên thừa cân, béo phì, khó kiểm soát cân nặng.
Nghiêm trọng hơn nữa là các bệnh lý khác do không chuyển hóa và đào thải lượng đường thừa có trong cơ thể như tim mạch, huyết áp,…
Minh Thủy chia sẻ, hiện tại cân nặng của cô là 55kg và đã nhiều lần muốn giảm cân.
“Tôi cảm thấy rất nặng nề và khó thở mỗi khi có các hoạt động phải di chuyển và vận động nhiều. Tôi cũng đã nhận ra cơ thể đang thừa cân và ảnh hưởng đến sức khỏe, đã từng thử giảm cân nhiều lần nhưng đều thất bại.
Chỉ cần nghĩ tới cốc trà sữa “full topping” là ý chí giảm cân của mình lại biến mất”, Thủy nói.
Cốc trà sữa nhiều đường, nhiều topping trong bữa chiều cũng trở thành chướng ngại vật trong quá trình duy trì vóc dáng của Ngọc Châu.
“Nhiều khi soi gương kĩ, tôi thấy da dẻ không được mịn màng như trước nữa và tôi cũng biết đây là tác hại của việc nạp nhiều đường vào người. Có thời gian tôi cảm thấy stress khi nhìn thấy da và cân nặng của bản thân trở nên khó kiểm soát”, Châu thở dài.
Đại dịch béo phì tấn công Gen Z
Tỷ lệ mắc bệnh béo phì tại Việt Nam cũng đang chứng kiến những con số đáng lưu ý.
Một thống kê tại Việt Nam năm 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và TPHCM chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, sau 10 năm tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ dưới 5 tuổi tăng 1,5 lần (từ 5,6% vào năm 2010 lên 7,4% vào năm 2020). Con số này ở trẻ 5-19 tuổi cũng tăng gấp đôi (từ 8,5% lên 19%). Tương tự, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở người lớn cũng tăng gần gấp đôi sau 10 năm (từ 12% lên 19,6%).
Tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống.
Số người trẻ mắc bệnh tiểu đường ở Việt Nam cũng gia tăng đáng lo ngại. Số liệu của Bệnh viện Nội tiết Trung ương đưa ra năm 2022: Trên 7% người dân bị mắc đái tháo đường và độ tuổi mắc đang có xu hướng trẻ hóa. Đáng chú ý số lượng trẻ em trong độ tuổi 10-14 tuổi mắc đái tháo đường túyp 1 cũng đang tăng lên.
BS Nguyễn Mạnh Tuấn, khoa Nội tiết, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, bệnh tiểu đường vốn là bệnh gặp nhiều ở người già ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Bệnh viện gặp cả những trẻ 8-10 tuổi đã mắc tiểu đường túyp 2, căn bệnh liên quan nhiều đến chế độ dinh dưỡng, béo phì, lối sống.
Theo các chuyên gia, sử dụng quá nhiều đồ ăn nhanh, đồ ăn giàu năng lượng, đồ uống có đường lâu dần tích lũy năng lượng dư thừa dẫn đến béo phì, làm gia tăng các bệnh chuyển hóa, đái tháo đường.
“Một cốc trà sữa nhỏ chứa khoảng 300kcal, cốc cỡ lớn chứa khoảng 500kcal. Vì thế, nếu một ngày vẫn ăn đủ 3 bữa, lại nạp thêm cốc trà sữa, sự dư thừa, tích lũy năng lượng sẽ tăng dần khiến bạn trở nên thừa cân, béo phì”, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia cảnh báo.
Các bệnh tim mạch – nguyên nhân gây ra rất nhiều di chứng nặng nề cho cơ thể – cũng đang ghi nhận số bệnh nhân dưới 40 tuổi tăng lên nhanh chóng ở Việt Nam.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, số ca bệnh tim mạch đang gia tăng trung bình mỗi năm khoảng 10-20% và ngày càng trẻ hóa. Việc hấp thu nhiều đường là nguyên nhân tăng mức cholesterol dẫn tới các bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch và đái tháo đường.
Trên đây chỉ là 3 trong số nhiều loại bệnh không truyền nhiễm, có thể kiểm soát khi có chế độ dinh dưỡng và tập luyện phù hợp.
Tuy nhiên điều đáng nói là số người mắc bệnh này đang có xu hướng trẻ hóa và số bệnh nhân là trẻ em gặp các vấn đề sức khỏe trên, cũng đang gia tăng nhiều ở thành thị. Một trong số các nguyên nhân chính dẫn tới điều này là do người mắc không kiểm soát được lượng đường nạp vào cơ thể thông qua chế độ ăn uống.