Nghệ nhân ẩm thực Phạm Thị Ánh Tuyết (Hà Nội) cho biết, người xưa dựa trên quy luật “sinh – lão bệnh – tử”, chọn ra con số 5, ứng với chữ “sinh” để bày biện mâm ngũ quả ngày tết Nguyên đán.
“Ngũ tức là 5, ứng với chữ “sinh”, mang ý nghĩa sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, tài lộc dồi dào. Mâm ngũ quả còn thể hiện mong cầu đoàn viên, sung túc.
Việc lựa chọn các loại quả bày lên mâm ngũ quả tùy thuộc vào quan niệm văn hóa, cũng như đặc trưng vùng miền. Số lượng quả không giới hạn nhưng chỉ gói gọn trong 5 loại”, nghệ nhân Ánh Tuyết hướng dẫn.
Nghệ nhân Ánh Tuyết gợi ý, mâm ngũ quả của miền Bắc, trong đó đặc trưng nhất là Hà Nội, phải có nải chuối xanh, bưởi hoặc cam, quất, hồng xiêm…
Nải chuối xanh được xếp ở phía dưới để đỡ lấy những loại quả khác. Giữa nải chuối, gia chủ đặt quả bưởi căng mọng, rồi xếp thêm các loại quả nhỏ hơn như: cam, hồng xiêm, lựu…
Tùy theo vùng miền, miền Trung và miền Nam sẽ có những loại quả khác nhau bày trên mâm ngũ quả trong dịp tết Giáp Thìn 2024.
Tuy nhiên, đa số người miền Trung và miền Nam có gì cúng nấy, không quá khắt khe trong việc bài trí mâm ngũ quả.
Người miền Trung có cách bày biện trang trí mâm ngũ quả khá đơn giản, thường là dứa đặt cao nhất, xung quanh bày xoài, thanh long, táo, nho, quýt…
Mâm ngũ quả miền Trung cũng gần giống với mâm ngũ quả miền Bắc, sử dụng các loại quả to nặng đặt ở giữa, rồi dùng các loại quả nhỏ hơn như: quýt, táo, nho, xoài… chèn vào sao cho đẹp mắt, đủ loại.
Trong khi đó, người miền Nam bày mâm ngũ quả thường có mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài dựa theo mong ước “cầu vừa đủ xài”.
Cách bày mâm ngũ quả bắt đầu với những quả lớn như: mãng cầu, đu đủ, dừa… được đặt bên dưới. Tiếp đến, các quả nhỏ được bày lên trên, sắp xếp hợp lý để có hình dạng như ngọn tháp. Ngoài ra, người miền Nam còn có thói quen chưng thêm cặp dưa hấu trên ban thờ cùng mâm ngũ quả.
Nghệ nhân Ánh Tuyết cho biết, ngày nay, hàng hóa thông thương giữa ba miền Bắc – Trung – Nam, thậm chí còn trao đổi hàng hóa với nước ngoài. Thế nên, các loại hoa quả ngày càng phong phú, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn.
“Hiện nay, nhiều gia đình có điều kiện còn mua cả trái cây ngoại để chưng mâm ngũ quả. Vì vậy, tùy hoàn cảnh gia đình, mọi người có thể thoải mái lựa chọn loại quả yêu thích, trước cúng ông bà tổ tiên, sau thì thụ lộc”, nghệ nhân Ánh Tuyết chia sẻ.
Cách chọn tuổi xông đất, xông nhà đón may mắn, tài lộc tết Nguyên đán 2024
Xông đất, xông nhà là tục lệ truyền thống của người Việt Nam trong dịp tết Nguyên đán, với ý nghĩa cầu mong có được may mắn, bình an, phú quý suốt cả năm.
Mâm cúng tất niên tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 chi tiết nhất
Nghệ nhân ẩm thực gợi ý mâm cúng tất niên chiều 30 tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đầy đủ và chi tiết nhất cho cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.
Bài cúng tất niên tết Giáp Thìn 2024 theo văn khấn cổ truyền
Mâm cơm cúng tất niên được người Việt dâng lên tổ tiên vào ngày 30 tháng 12 âm lịch – ngày cuối cùng của năm để tạ ơn tổ tiên. Bài cúng tất niên là một phần không thể thiếu trong lễ này.